image banner
Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 224
Ngày 17/9/2024, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

(Moha.gov.vn)-Ngày 17/9/2024, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

 

Theo đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung “Điều 8. Hình thức, nội dung và thời gian thi

Thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau: Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính; nội dung thi gồm 02 phần, bao gồm:

 Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ. Thời gian thi 60 phút. 

 Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút. Đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi Phần II. 

 Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi; nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.  Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức mà kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn tính đến ngày hết thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển và đáp ứng yêu cầu về thang điểm theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 3 Nghị định  (nếu có) thì không phải dự thi vòng 1 quy định .

 Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

 Hình thức thi: Viết hoặc kết hợp viết và phỏng vấn. Đối với bài thi viết, nội dung thi: Kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Thời gian thi 180 phút (không kể thời gian chép đề). 

Căn cứ vào đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể tổ chức thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính, đồng thời quyết định số lượng câu hỏi phù hợp, bảo đảm số lượng tối thiểu 60 câu, tối đa 120 câu (theo hình thức câu hỏi trắc nghiệm). Thời gian thi tương ứng với tổng số câu hỏi, bảo đảm tối thiểu là 90 phút, tối đa là 180 phút. 

Đối với bài thi phỏng vấn, nội dung thi phỏng vấn tập trung đánh giá về năng lực: tư duy, giao tiếp, phán đoán tình huống, học hỏi, phát triển, diễn đạt, thái độ và các năng lực khác theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi: Tối đa 30 phút.

 Thang điểm bài thi viết: 100 điểm; bài thi phỏng vấn: 100 điểm. Trường hợp thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính thì Hội đồng tuyển dụng (Ban đề thi) xây dựng các nhóm câu hỏi có mức độ phức tạp khác nhau và quyết định mức điểm tương ứng với từng câu hỏi. 

Trường hợp lựa chọn hình thức thi kết hợp viết và phỏng vấn thì tổng điểm bài thi viết và bài thi phỏng vấn được quy đổi về thang điểm 100 theo tỷ lệ điểm của bài thi viết là 70%, của bài thi phỏng vấn là 30% (được làm tròn đến 02 chữ số thập phân). 

 Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Hội đồng tuyển dụng phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, thời gian thi môn nghiệp vụ chuyên ngành so với quy định tại khoản này thì phải xác định cụ thể trong Kế hoạch tuyển dụng.

3 trường hợp miễn phần thi ngoại ngữ

 Miễn thi ngoại ngữ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này đối với các trường hợp sau:

 Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ theo đúng yêu cầu về ngoại ngữ của vị trí việc làm, cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.

 Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, học tập ở nước ngoài bằng ngoại ngữ theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm hoặc học bằng tiếng nước ngoài theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc đương nhiên được công nhận theo quy định của pháp luật.

 Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số; là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.

Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức

Về xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức quy định tại Điều 9 được sửa đổi như sau:

 Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: a) Có kết quả điểm thi vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp viết và phỏng vấn thì phải dự thi đủ cả 02 bài thi (viết và phỏng vấn) và có kết quả đạt từ 50% trở lên điểm tối đa của mỗi bài thi; b) Có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm, kể cả đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau.

 Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: a) Người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn; b) Người có số điểm của bài thi viết ở vòng 2 cao hơn trong trường hợp lựa chọn hình thức kết hợp viết và phỏng vấn; c) Người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức và được miễn thi vòng 1; d) Người có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức cao hơn trong trường hợp cùng được miễn thi vòng 1; đ) Người có số câu trả lời đúng môn kiến thức chung ở vòng 1 nhiều hơn trong trường hợp cùng dự thi vòng 1.

Trường hợp vẫn chưa xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản này thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

 Đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau thì việc xác định cơ quan sử dụng công chức trúng tuyển thực hiện theo thứ tự ưu tiên lựa chọn trong Phiếu đăng ký dự tuyển của người trúng tuyển. Trường hợp số người trúng tuyển cùng đăng ký tuyển dụng vào một cơ quan sử dụng công chức nhiều hơn số chỉ tiêu tuyển dụng của cơ quan sử dụng công chức đó thì ưu tiên lựa chọn người có kết quả tuyển dụng cao hơn. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả tuyển dụng bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của cơ quan sử dụng công chức đó thì lựa chọn theo thứ tự ưu tiên quy định tại Khoản 2 Điều này.

 Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP như: Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3; Bổ sung điểm d vào Khoản 1 Điều 5; Sửa đổi điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7; Sửa đổi các điều: Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19; Sửa đổi Khoản 5 Điều 20; Sửa đổi Khoản 1 Điều 22; Sửa đổi Khoản 1 Điều 25; Sửa đổi Khoản 2 và Khoản 5 Điều 27; Sửa đổi Khoản 2 Điều 28; Sửa đổi điểm a và điểm c Khoản 3 Điều 30; Sửa đổi Điều 31; Bổ sung Điều 31a vào sau Điều 31; Bổ sung Điều 31 b vào sau Điều 31a; Sửa đổi Điều 32; Sửa đổi câu dẫn vào Khoản 2 Điều 34; Sửa đổi Khoản 3 Điều 35; Sửa đổi Khoản 5 và Khoản 6 Điều 37; Sửa đổi Khoản 2 Điều 39; Sửa đổi Khoản 2 Điều 41; Sửa đổi Điều 42; Sửa đổi Điều 46; Sửa đổi Điều 47; Sửa đổi Điều 48; Sửa đổi Khoản 1, Khoản 3 và bổ sung Khoản 6, Khoản 7 và Điều 49; Bổ sung Khoản 3a vào sau Khoản 3 và sửa đổi Khoản 4 Điều 52; Sửa đổi Khoản 1 và điểm đ Khoản 2 Điều 54; Sửa đổi Điều 56; Sửa đổi Điều 57; Sửa đổi Điều 58; Sửa đổi Khoản 3 và Khoản 5 Điều 59; Sửa đổi Điều 62; Sửa đổi Điều 63; Sửa đổi, bổ sung tên Mục 6; Sửa đổi Điều 65; Sửa đổi Điều 66; Sửa đổi Điều 68; Bổ sung Điều 68a sau Điều 68.

Ngoài ra, Nghị định này còn bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP: a) Bãi bỏ Khoản 3 và Khoản 7 Điều 37; b) Bãi bỏ các cụm từ sau đây: Cụm từ “, biệt phái” tại Khoản 1 Điều 28; Cụm từ “hoặc tin học”, “hoặc môn tin học”, “, tin học”, “, Khoản 7” tại điểm c Khoản 1 Điều 36; Cụm từ “và Khoản 3” tại Khoản 1 Điều 38; Cụm từ “thống nhất” tại: Điểm a Khoản 1 Điều 40, Khoản 1 Điều 73, Khoản 1 Điều 74; Cụm từ “công chức” trong cụm từ “biên chế công chức” tại: Khoản 4 Điều 71; Khoản 2 Điều 72; Khoản 3 Điều 73; Khoản 3 Điều 74.

Nghị định 116/2024/NĐ-CP cũng quy định Bãi bỏ Điều 12 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Nghị định 116/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Nguồn: Công thông tin điện tử Bộ Nội vụ

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0