Năm 2013 chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc, kết quả kinh tế 11 tháng qua cho thấy việc đạt được mục tiêu của cả năm có nhiều tín hiệu khả quan, nhất là tăng trưởng kinh tế ước cả năm có thể cao hơn năm 2012 (5,4% so với 5,25%) và đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng trưởng cao hơn).
Trước hết vầ xuất-nhập khẩu hàng hoá 11 tháng đạt được nhiều điểm tích cực. Xuất khẩu đạt được quy mô khá, bình quân đầu người đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng trưởng với tốc độ khá cao, gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP. Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô kim ngạch xuất khẩu đã về đích kế hoạch 5 năm trước 2 năm. Xuất khẩu đã trở thành lối ra của nền kinh tế, động lực của tăng trưởng.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Báo cáo của Chính phủ |
Nhập siêu thấp cả về quy mô tuyệt đối (96 triệu USD) cả về tỷ lệ so xuất khẩu. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu/GDP đạt mức cao nhất từ trước tới nay
Cùng với nhập siêu là các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam đạt khá. FDI giải ngân đạt 10,55 tỷ USD, dự báo cả năm có thể vượt qua mốc 11,5 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra (10,5-11 tỷ USD). ODA giải ngân ước đạt 4,04 tỷ USD, dự báo cả năm có thể vượt qua mốc 4,5 tỷ USD, đạt kỷ lục mới. Lượng kiều hối được WB dự báo có thể đạt 11 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước 11 tháng đạt 6,8 triệu lượt người, dự báo cả năm có thể vượt qua mốc 7,4 triệu người, theo đó chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam ước cả năm có thể đạt kỷ lục mới, vượt qua mốc 7,7 tỷ USD.
Do các yếu tố trên, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, góp phần ổn định tỷ giá trong 2 năm liên tiếp, góp phần làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng đô la hoá, Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối.
Về tổng thu ngân sách ước thực hiện 11 tháng so với dự toán năm đạt 86%, tổng chi đạt 87%; so với cùng kỳ năm trước, tổng thu tăng cao hơn tổng chi trong bối cảnh việc cân đối thu, chi ngân sách năm nay thuộc loại khó khăn nhất trong nhiều năm qua.
Sau 11 tháng cũng như bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ nhiều năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thấp. Kết quả này đạt được trong điều kiện 2 năm qua đã đưa ra một lượng tiền không nhỏ để mua được một lượng lớn ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối đạt mức an toàn tài chính quốc gia; ổn định được tỷ giá; hạ lãi suất… CPI năm nay tăng thấp, ngoài yếu tố tổng cầu yếu, chi phí đẩy không tăng, còn có một phần do sự đóng góp của việc nâng cao hiệu quả đầu tư; tốc độ tăng năng suất lao động được duy trì ở mức cao hơn năm trước (2,63% so với 2,48%).
|
Nhiều thiết bị với kỹ thuật công nghệ hiện đại được Nhà máy Z 121 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đưa vào sản xuất. Ảnh: TTXVN |
Tăng trưởng kinh tế ước cả năm có thể cao hơn năm 2012 (5,4% so với 5,25%) và đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng trưởng cao hơn). Đáng lưu ý, tăng trưởng cao hơn chủ yếu do khu vực dịch vụ tăng cao hơn năm trước và tăng cao hơn tốc độ chung.
Tăng trưởng công nghiệp chế biến nói riêng và tăng trưởng công nghiệp nói chung năm nay có xu hướng cao lên qua các quý; tháng 11 tăng cao hơn 10 tháng (6% so với 5,4%), nên tính chung 11 tháng đã tăng 5,5%. Ước cả năm, tăng trưởng GDP do công nghiệp chế biến tạo ra tăng cao hơn toàn ngành công nghiệp và tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế.
Năm 2013 ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của một năm bình thường, còn là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015 với các nhiệm vụ có tính cơ bản, lâu dài, như: Tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược. Về mặt này những năm trước triển khai thực hiện còn chậm; năm nay mặc dù vẫn phải tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng việc triển khai, thực hiện đã tích cực cao hơn và đạt được những kết quả nhất định. Nhưng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và bền vững… cần phải tập trung cao hơn cho các nhiệm vụ có tính cơ bản, lâu dài...