Bình Dương cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Bình Dương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện đồng bộ hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là cải cách công chức, công vụ, trong đó tập trung vào Đề án vị trí việc làm, Đề án tinh giản biên chế, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức phù hợp với vị trí việc làm.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, nhằm hiện đại hóa nền hành chính minh bạch, hiệu quả, Khu hành chính mở tỉnh Bình Dương (đi vào hoạt động từ 20/2/2014) là tiền đề quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính của tỉnh.
Khu hành chính mở (có diện tích 4.000 m2) là nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với 100% thủ tục hành chính thuộc Bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh. Tất cả các cơ quan cấp tỉnh làm việc ngay tại tòa nhà này nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương cần làm rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của các sở, ngành, trên cơ sở đó xây dựng Đề án hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Khu hành chính công tập trung của tỉnh; tiếp tục thực hiện đơn giản hóa và công khai hóa thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông bảo đảm thủ tục hành chính tại địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tỉnh cần đẩy mạnh hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án chính quyền điện tử, sơ kết, đánh giá, hoàn thiện mô hình để thực hiện toàn bộ quy trình quản lý hành chính của các huyện, thị qua mạng.
Đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Bình Dương cần phát huy tiềm năng, lợi thế và những thành quả đã đạt được, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương, với cơ cấu kinh tế hiện đại, phát triển toàn diện và bền vững.
Trước mắt, tỉnh cần rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết phân khu chức năng để các quy hoạch này không mâu thuẫn nhau, không cản trở nhau mà hỗ trợ nhau phát triển; bảo đảm thực hiện hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Qua đó nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó cần lựa chọn những ưu tiên trong triển khai 3 đột phá chiến lược của tỉnh nhằm kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đặc biệt cần quan tâm, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nội địa để khối doanh nghiệp này phát huy nội lực đủ khả năng hấp thụ những hiệu ứng tích cực, tác động lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, nâng cấp kinh tế của địa phương.
Phan Hiển